Chuyển tới nội dung
Home » Làm thế nào để viết một bài luận (Phần 1)

Làm thế nào để viết một bài luận (Phần 1)

Viết một bài luận từ đầu đến cuối là một việc khá căng thẳng, đặc biệt nếu em mới làm quen với quá trình này. Trong bài viết này, Spark Prep sẽ đưa ra một số quy tắc dễ dàng áp dụng để việc viết luận bằng tiếng Anh trôi chảy hơn. Đây là những công cụ cơ bản em có thể sử dụng trong hầu như tất cả các phong cách viết, chứ không chỉ là bài luận cá nhân để ứng tuyển. Nếu áp dụng những quy tắc này, em có thể xây dựng thói quen giúp việc viết luận trở thành một trải nghiệm thú vị và bổ ích.

Viết Mở Bài Cuối Cùng

Chín trên mười lần, đoạn đầu tiên của bài luận học sinh viết là thông tin giới thiệu không cần thiết cho độc giả. Một trong những lý do các em hay mắc phải lỗi này là vì đôi khi chúng ta gặp khó khăn khi bắt đầu viết – băn khoăn đầu tiên của học sinh Spark Prep khi viết luận cũng là “mình bắt đầu từ đâu đây?” – và cách các em giải quyết câu hỏi này là viết một đoạn văn với những thông tin ngoài lề giúp các em suy luận rõ ràng hơn về chủ đề bài luận. Tuy nhiên, đoạn văn này thật sự là cho người viết chứ không phải người đọc, và có thể làm người đọc thấy rối vì họ không đọc bài luận này vì thông tin ngoài lề – họ đọc vì mục đích của bài luận và xem liệu các ý tưởng là gì, có rõ ràng không. Thông thường, đoạn văn đầu tiên học sinh viết sẽ không được giữ lại ở bản cuối cùng. Trong một bài luận 650 từ, tất cả các khoảnh khắc đều đáng giá, vì vậy đừng tốn thời gian vào đoạn văn giới thiệu khi các em bắt đầu viết luận. Thay vì thế, hãy viết một bản nháp đầu tiên dù lộn xộn đến đâu, và chỉ khi em đã thấy rõ ràng hơn về mục tiêu của bài luận, lúc ấy hẵng quay lại viết mở bài. Bằng cách này, mở bài – ở bất kì phong cách nào – mới thật sự gợi mở ra bài luận một cách thuyết phục và cho người đọc sự đồng cảm. Điều này cũng gợi đến lời khuyên thứ hai….

Sửa Luận Vô Cùng Quan Trọng

Đôi khi chúng ta quá hào hứng với việc có một bản nháp của bài luận mà nhanh chóng quên mất những tiềm năng còn ẩn giấu của bài luận; một khi từ ngữ đã được viết ra, có vẻ như chẳng cần phải sửa gì nữa. Vậy làm thế nào để tiếp tục tinh chỉnh bài văn của chính mình? Làm thế nào để cải thiện những gì chúng ta đã có? Nhìn chung, một bài luận tốt gồm 20% bản nháp và 80% biên tập. Biên tập có nhiều mức độ như sau:

Mức độ về ý tưởng và nội dung – cải thiện những gì mà bài luận viết về;

Mức độ về từ ngữ – vốn từ các em sử dụng để thể hiện luận điểm;

Mức độ về câu cú – cách em kết nối ngôn ngữ của mình rõ ràng;

Và mức độ về cấu trúc – các ý tưởng của bài luận thay đổi như thế nào trong mạch văn – từ câu này sang câu khác và đoạn này sang đoạn khác.

Có rất nhiều cách khác để biên tập một bài luận, nhưng nếu các em đang bế tắc trong việc viết luận, đây là một gợi ý để bắt đầu. Nếu tự sửa luận cho mình khó quá, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau: Ý của từng đoạn đã rõ ràng chưa? Các ý này có thống nhất xuyên suốt bài luận không? Nếu không, hãy rà soát và sửa lại theo từng đoạn. Nếu từng đoạn đã có mục tiêu rõ ràng, sẽ dễ hơn để các em thấy được sự thống nhất của ý tưởng trong bài. Những từ ngữ tôi dùng có thể hiện chính xác ý của tôi không? Nếu không, hãy tra các từ đồng nghĩa hoặc thêm vào tính từ và những danh từ cụ thể để từ vựng chính xác hơn. Điều này có vẻ nhỏ nhặt, nhưng dần dần sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một bài luận tốt, và một bài văn xuất sắc. Nếu em thấy một từ nào đó không ổn lắm, đừng ngại thử những từ khác; viết văn là thử nghiệm và xem thế nào hiệu quả nhất trong ngữ cảnh cụ thể. Có cụm từ nào em dùng quá nhiều, cảm giác bị lặp lại không? Có những đoạn nào có cùng một ý nhưng thể hiện khác nhau không? Đôi khi, cách dễ nhất để lược bỏ sự rườm rà là gộp các câu ghép lại thành một câu, và loại bỏ những câu tương tự trong bài. Đừng ngại gộp những ý bổ trợ cho nhau bằng một dấu phẩy, dấu chấm phẩy, hoặc dấu gạch ngang. Điều này cũng góp phần tạo nên các câu phức và nhiều cấu trúc câu phong phú, làm bài luận chất lượng hơn. Có rất nhiều cách để gộp ý tưởng, và giảm thiểu sự lặp lại sẽ giúp bài luận có một mạch văn làm cho người đọc hứng thú.

Không Biết Trước Câu Trả Lời

Viết văn hay về cốt lõi là khám phá những điều em chưa biết hoặc chưa hiểu. Rất nhiều học sinh Spark Prep hay cảm thán “Em chẳng biết viết về cái gì cả!” Và chúng tôi trả lời, “Tất nhiên là em không biết rồi!” Làm sao có thể biết được khi mình chưa dành thời gian khám phá? Quan niệm rằng bạn phải biết chính xác mình sẽ viết về cái gì trước khi thực sự bắt tay vào viết là hơi ngốc nghếch. Các ý tưởng sẽ phát triển theo thời gian, khi các em phân tích chúng và hiểu sâu hơn về chúng. Hãy tận dụng quá trình viết để làm rõ ràng mục tiêu của mình – mục tiêu của bài luận – và tinh chế mục tiêu đó qua quá trình sửa luận (biên tập). Đôi khi em biết rõ mình muốn viết về đề tài gì, và điều đó thật tuyệt! Nhưng nếu em chưa biết, hãy bắt đầu bằng cách đặt một số câu hỏi cơ bản – Tôi quan tâm đến chủ đề gì? Điều gì làm tôi thấy hứng thú? Khi nào thì tôi hạnh phúc nhất? Tôi lấy cảm hứng từ đâu? – và bắt đầu từ đó. Đôi khi, quá trình viết sẽ là thế này: đặt câu hỏi, viết nháp, khám phá điều gì đó, gạn đục khơi trong, và lặp lại. Nếu em bắt đầu viết với một ý tưởng định sẵn là bài luận của mình sẽ thế nào, em có thể bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về những tiềm năng khác của bài luận, điều mà thường sẽ thú vị hơn cho em trong quá trình viết và cho người đọc. Nếu người đọc cảm nhận được sự khám phá trong bài, họ sẽ hào hứng xem em khám phá được điều gì và kết nối với bài luận tốt hơn. Điều này đưa chúng ta đến với lời khuyên cuối cùng…

Bài Luận Độc Đáo Nằm Ở Đoạn Kết, Không Phải Mở Bài

Rất nhiều học sinh tin rằng bài luận của mình phải thật độc đáo để trở nên nổi bật. Đây là một hiểu lầm, và vấn đề lớn nhất với cách nghĩ này là cách hành văn của học sinh khiến bài văn độc đáo, chứ không phải chủ đề. Không chủ đề nào là chưa từng được nhắc đến, trừ khi em đã lên cung trăng. Vì thế, thay vì vất vả tìm kiếm một chủ đề khác biệt, hãy tìm một chủ đề mà em quan tâm, sau đó tập trung vào việc viết về nó thật hay và mang đậm dấu ấn cá nhân. Khi kết thúc quá trình biên tập và chau chuốt bài, em có thể nhận ra rằng em đã khám phá được nhiều điều mình không ngờ tới khi mới viết; và đây là lúc bài luận của em trở nên nổi bật. Vậy nên đừng lo tìm một đề tài độc đáo; em có thể không tìm được đâu. Và kể cả nếu em thật sự tìm được, cố gắng quá để viết theo một chủ đề nhất định thường sẽ tạo cảm giác ép buộc và gò bó. Thay vì thế, hãy cố gắng để đầu óc cởi mở, để ý tìm những mối liên kết mới mà trước đây em không ngờ tới. Đó là điều làm độc giả hứng thú nhất.

Trên đây là một số những công cụ chúng tôi dạy học sinh khi các em viết bài luận chính và các bài luận phụ. Như rất nhiều thứ khác, các em hãy sử dụng, luyện tập, và sẽ thấy chúng hữu ích thế nào. Hãy để đầu óc cởi mở và thử nhiều cách tiếp cận để xem thế nào phù hợp với mình nhất!

Sau cùng, đây là bài luận của cá nhân các em; các em càng cảm thấy đây là bài luận của riêng mình trong cả quá trình viết, các em sẽ càng thấy hài lòng hơn với kết quả cuối cùng.

Nếu các em thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé! Để được nhận nhiều lời khuyên hơn về viết luận, sửa luận, hoặc phát triển nội dung, hãy cho chúng tôi biết nhé! Tìm đọc Phần 2 của bài viết tại đây.

Thông tin liên hệ: [email protected]

Hotline: 098 788 1080

Call Spark Prep