Chuyển tới nội dung
Home » Tìm hiểu hành trang du học Mỹ – Phần 1

Tìm hiểu hành trang du học Mỹ – Phần 1

Nước Mỹ có nền giáo dục rất khác biệt so với các nước khác (liberal art education – giáo dục khai phóng). Hầu hết các trường đều xét tuyển ứng viên 1 cách toàn diện, và trường đại học là nơi phát triển tư duy, cho sinh viên cơ hội để trải nghiệm và phát triển các kĩ năng cho cuộc sống sau này. Để “apply” đại học ở Mỹ, các bạn học sinh Việt Nam sẽ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm những thành phần sau:

  • Kết quả học tập và thư giới thiệu
  • Điểm thi các bài thi chuẩn hoá (ACT/SAT/SAT II) và chứng chỉ tiếng Anh (TOEFL/IELTS)
  • Common Application và các bài luận

Trong series này, Spark Prep sẽ dùng trường Harvard để giải thích về những yêu cầu khi làm hồ sơ, để các bạn thấy rằng những yêu cầu đầu vào của trường đại học với tỉ lệ cạnh tranh cao nhất thế giới thật ra cũng không hơn hầu hết những trường khác là bao. Một khi bạn đã hiểu cách chuẩn bị những yêu cầu cơ bản trên một cách chu đáo thì bạn có thể tự tin lên kế hoạch trau dồi những kĩ năng và kiến thức cần thiết để bộ hồ sơ có thể thể hiện đúng con người và tiềm năng của bạn.

Như thầy cô vẫn hay dặn là học ôn phải khó hơn bài thi, qua series blog này, Spark Prep sẽ giúp các bạn hiểu cách chuẩn bị hồ sơ vào Harvard, ngôi trường danh giá bậc nhất nhì nước thế giới, để rồi bạn có thể tự tin ứng tuyển bất kì trường nào khác ở Mỹ.

Trong bài blog đầu tiên này, Spark Prep sẽ phân tích về khía cạnh kết quả học tập và thư giới thiệu: là cái gì, gồm những gì, có ý nghĩa như thế nào, và làm thế nào để chuẩn bị nó cho hồ sơ.

Về cơ bản, bạn cần chứng minh được là bạn đã học đến bậc trung học phổ thông/cấp 3 và có khả năng tốt nghiệp và tiếp tục lên bậc đại học, nói cách khác là chứng minh kết quả học tập. Để chứng minh như vậy, học sinh ở Mỹ cần nộp bảng báo cáo từ trường, báo cáo từ giáo viên, và bảng điểm, trong tiếng anh là School Report (Mid-Year School Report, Final School Report), Teacher Report, và high school transcript, theo screenshot những yêu cầu tuyển sinh của đại học Harvard ở trên. Xin nhớ là các trường khác nhau có thể dùng những từ khác nhau để chỉ cùng một ý niệm, tuy nhiên những gì các bạn cần chuẩn bị vẫn giữ nguyên.

1, School Report, Mid-Year School Report, Final School Report, và high school transcript

Tại thời điểm nộp hồ sơ, tại Mỹ, các học sinh trung học đã bắt đầu năm cuối cấp, còn gọi là năm senior, tương đương với năm lớp 12 ở Việt Nam. “School Report” của các bạn học sinh Mỹ bao gồm báo cáo về học tập từ năm bắt đầu trung học phổ thông, năm lớp 9, cho đến hết năm lớp 11. “Mid-Year School Report” của các bạn Mỹ sẽ báo cáo về kết quả học kì đầu của năm cuối cấp, và “Final School Report” là kết quả cuối năm. “High school transcript” chính là bảng điểm của các bạn, tóm gọn kết quả học tập của học sinh trong những con số và vài gạch đầu dòng về thành tích học tập nổi bật.

Học sinh quốc tế, dù có đến từ những hệ thống giáo dục khác nhau và khác với Mỹ, đều cần trình bày được kết quả học tập theo những giai đoạn như trên: từ đầu cấp đến đầu năm cuối cấp, học kì đầu năm cuối cấp (trong giai đoạn nộp hồ sơ), cuối năm cuối cấp (sau khi được nhận).

Đối với học sinh ở Việt Nam, do không có hệ thống báo cáo như các trường trung học phổ thông ở Mỹ nên chỉ cần nộp “high school transcript,” hoặc là bảng điểm. Sẽ cần gửi ba bảng điểm: bảng điểm năm lớp 10+11, bảng điểm học kì đầu lớp 12, bảng điểm cuối năm lớp 12. Bảng điểm cần được dịch ra tiếng Anh, có dấu xác nhận của trường. Trong một vài trường hợp, trường có thể sẽ yêu cầu gửi kèm cả bảng điểm gốc bằng tiếng Việt.

School transcript

Giáo dục Mỹ hết sức đề cao chiều rộng của tri thức, vậy nên các trường đại học uy tín và có chất lượng thường ưu tiên tuyển chọn những học sinh mà trong thời gian học cấp ba đã học một chương trình với lượng kiến thức phổ quát rộng, bao gồm các bộ môn toán, văn, khoa học tự nhiên (lý, hoá, sinh), khoa học xã hội hoặc nhân văn (lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, hoặc tương tự), và một ngoại ngữ.

Quan sát bảng điểm trên có thể thấy ngay rằng một học sinh Việt Nam trung bình đã đáp ứng đủ và hơn nữa kì vọng của các trường đại học Mỹ về lượng kiến thức mà học sinh THPT cần biết để có thể vững bước vào đại học. Nếu bạn học đủ các môn trên lớp và đạt học sinh giỏi, bảng điểm của bạn sẽ được đánh giá là bảng điểm của một học sinh chăm chỉ với hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau – mẫu học sinh mà các trường đại học Mỹ luôn săn đón. Thêm nữa, nếu bạn học trường chuyên, một môi trường mà hội đồng tuyển sinh ở các trường đại học Mỹ hiểu là cạnh tranh hơn những trường công bình thường, thì thành tích học tập của bạn, đặc biệt là thành tích học tập môn chuyên, sẽ còn được đánh giá cao hơn nữa.* Đây là một lý do tại sao những học sinh Việt Nam, dù thường không có điều kiện kinh tế dư dả như học sinh quốc tế từ nhiều nước khác, vẫn được các trường đại học Mỹ ưa tuyển và cho hỗ trợ tài chính hết sức hào phóng.

Ngoài việc cho thấy trình độ học vấn của học sinh ra, hội đồng tuyển sinh cũng có thể nhìn ra rất nhiều điều từ bảng điểm của các ứng viên. Ví dụ, nếu bảng điểm cho thấy điểm số các môn đều cao qua các năm, điều này sẽ cho thấy là ứng viên là một học sinh có phong độ ổn định và có trách nghiệm với việc học của mình. Nếu chẳng may bạn có điểm trung bình năm lớp 10 và 11 chỉ ở mức khá, vừa đủ đạt học sinh giỏi nhưng không có gì ấn tượng thì sao? Thì đây chính là cơ hội để bạn thể hiện sự quyết tâm và sức bật của mình qua việc phấn đấu và đạt điểm cao hơn trong học kì I năm lớp 12. Mặt khác, nếu bạn đạt điểm cao từ đầu cấp ba cho đến khi có kết quả đại học, nhưng do chểnh mảng học kì II lớp 12 nên điểm thấp lè tè, đây có thể là lý do để trường rút lại quyết định tuyển sinh của mình.

Tóm lại, tuy điểm số không phải là quan trọng nhất, bạn cần để ý đến điểm trên lớp sao cho nó phản ánh được thái độ học tập tốt và sự phấn đấu của bạn, và nếu có chểnh mảng thì cũng phải thật cố gắng để không để điểm trên lớp ảnh hưởng đến cả bộ hồ sơ.

*Tuy nhiên, cũng tuỳ môn. Chẳng hạn, nếu bạn chuyên Anh thì không chứng tỏ được gì mấy, vì học giỏi tiếng Anh ở Việt Nam không có ý nghĩa nhiều lắm về mặt học thuật trên đất của đại học Mỹ.

2, Teacher Report

“Teacher Report” hiểu một cách đơn giản là báo cáo từ giáo viên, bao gồm những đánh giá của giáo viên qua tài khoản dành riêng cho giáo viên trên Common Application và một thư giới thiệu. Phần đánh giá trên Common Application khá đơn giản, chỉ vài câu hỏi ngắn có thể trả lời trong vài câu hoặc vài click chuột.

Phần mà học sinh Việt Nam cần để tâm chuẩn bị là phần thư giới thiệu, còn được gọi là Recommendation Letter hoặc Letter of Recommendation.

Thư giới thiệu mang đến một góc nhìn sâu sắc về cá tính của bạn từ vị trí của một người trưởng thành theo những cách điểm số không thể nào thể hiện được. Vì ở bậc đại học, bạn vừa phải học tập và sinh hoạt cùng bạn học cùng trường, vừa phải tự thân vận động, một bức thư giới thiệu sẽ phải vừa cho thấy được tác phong của bạn ở khía cạnh cá nhân, vừa cho thấy cách bạn tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Trên hết, bức thư giới thiệu cho thấy quá trình phát triển của bạn qua thời gian. Có thể nói rằng, vì các giáo viên của bạn là những người đã quan sát bạn qua cả một năm hay nhiều hơn và biết là bạn đã trưởng thành như thế nào, nên quá trình phát triển mà thầy cô đã quan sát ở bạn sẽ cho hội đồng tuyển sinh một ý niệm rõ ràng hơn về cách mà bạn sẽ tiếp tục phát triển và thành công ở bậc đại học. Tóm lại là, một bức thư giới thiệu cho thấy, từ góc nhìn của một người trưởng thành, rằng bạn đã sẵn sàng cho đại học về cả mặt kiến thức và tính cách cá nhân của mình như thế nào qua những quyết định, những mối quan tâm lớn và lâu dài, và cá tính mà bạn đã thể hiện trong và ngoài lớp học.

Thông thường, giáo viên sẽ là người viết thư này và học sinh thường chấp nhận không được phép đọc những đánh giá này (trên Common App, học sinh sẽ gọi là “waive FERPA”) nhằm đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên, đối với học sinh Việt Nam, do giáo viên không quen viết thư giới thiệu và bằng tiếng Anh thì càng khó nên thường là học sinh sẽ hỏi ý kiến và xin phép giáo viên và tự viết thư giới thiệu, hoặc ít nhất học sinh cũng sẽ phải đọc thư giới thiệu để dịch. Trừ khi người giáo viên có đủ khả năng tiếng Anh hoặc đủ nhiệt tình để tự viết và tự đi dịch, thì phần thư giới thiệu và đánh giá của giáo viên, nghịch lý thay, lại thuộc về trách nhiệm của chính học sinh.

Thường các trường sẽ yêu cầu 1 đánh giá + thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm và 1 đến 2 thư giới thiệu của giáo viên khác. Có những trường cho phép nhiều hơn, có những trường yêu cầu đủ và không hơn, tuỳ trường.

Nói chung là…

Đọc xong bài này, chắc hẳn các bạn sẽ tự hỏi: Bảng điểm phải như thế nào mới vào được Harvard? Mới vào được đại học Mỹ? Thư phải như thế nào mới đủ tốt?… Những câu hỏi này không thực sự quan trọng, vì bạn cần nhớ một điều là kết quả học tập và thư giới không phải cứ là người giỏi nhất thì sẽ được nhận vào trường mình mong muốn.

Những trường Đại học Mỹ không có công thức hay tiêu chuẩn cụ thể về những con số như chẳng hạn 32/30 điểm thi đại học khối B thì đỗ Đại học Y Hà Nội. Spark Prep muốn các bạn hiểu rằng những cán bộ tuyển sinh nhìn vào một bộ hồ sơ của ứng viên và mong muốn nhìn thấy được con người của học sinh, và liệu con người đó có phù hợp với ngôi trường hay không. Điều các bạn cần thể hiện trong hồ sơ là thể hiện chân thực và sâu sắc về con người mình, bạn phấn đấu vì điều gì, và tại sao bạn lại phấn đấu vì những điều đó.

Triết lý của Spark Prep về giáo dục đại học là đó là quãng thời gian để các bạn xây dựng những trải nghiệm cả về học thuật lẫn xã hội, để hiểu rõ hơn về bản thân mình và sống một cuộc sống có mục đích sau khi đã tốt nghiệp đại học. 4, 5 năm tới đối với các học sinh là lúc các bạn trải qua nhiều thay đổi nhất, cả về thể chất, não bộ lẫn nhận thức và nhân sinh quan, và trường đại học nên là môi trường để bạn trải qua những thay đổi đó theo cách hứng thú và phù hợp với bản thân.

phần tiếp theo, Spark Prep sẽ viết về những bài thi chuẩn hoá: ACT, SAT, TOEFL, IELTS – chúng là gì? thi lúc nào? Nên ôn thi như thế nào? Các em đón đọc nhé!

Call Spark Prep