Chuyển tới nội dung
Home » Làm thế nào để viết một bài luận (Phần 2)

Làm thế nào để viết một bài luận (Phần 2)

Rất nhiều học sinh cảm thấy bức bối khi phải viết luận cá nhân. Cũng dễ hiểu, vì ở trường, các em có rất ít cơ hội luyện viết kiểu văn của luận cá nhân. Hầu hết, chương trình học tập trung đào tạo cách viết nghị luận hoặc phân tích (và đôi khi có viết sáng tạo), nhưng hầu nhưng không bao giờ có yêu cầu viết để chiêm nghiệm bản thân. Vì vậy nên khi học sinh đối mặt với thử thách viết một bài 650 từ về – cái gì? cốt lõi của bản sắc cá nhân?? – tâm trí các em thường trở nên trống rỗng. 

CHÚNG TA ĐANG LÀM GÌ ĐÂY?! 

Câu hỏi đầu tiên học sinh hỏi tôi thường là: em nên viết về cái gì? Điều đầu tiên mà bất kì học sinh nào cân nhắc cũng là chủ đề của bài luận. Các em tin rằng mình nên bắt đầu từ chủ đề bài luận khi viết. Điều này thường dẫn đến những câu hỏi còn gây bức bối hơn: Làm sao để chọn một chủ đề độc đáo? Tất cả những suy nghĩ của tôi đều có vẻ quá đơn giản hoặc ai cũng nghĩ tới rồi! — và tiếp theo sau đó là một quãng thời gian tự nghi ngờ bản thân rằng liệu mình có bao giờ viết được gì ra hồn không.

Tôi muốn gợi ý một cách tiếp cận khác tới việc viết luận, cụ thể hơn là bài luận cá nhân, mà có thể làm cho quá trình này dễ dàng, và đem lại nhiều ý nghĩa hơn cho học sinh. 

THẢ LỎNG TÂM TRÍ 

Đầu tiên, các em phải thay đổi góc nhìn. Hầu hết học sinh tin rằng các em viết bài luận để cho các trường hoặc cán bộ tuyển sinh; đó là một yêu cầu mà các em phải hoàn thành cho họ. 

Về mặt tâm lý học, những yêu cầu như vậy được chúng ta coi như yêu cầu từ môi trường bên ngoài. Với hầu hết học sinh, không bạn nào tự dưng đi viết luận cá nhân trừ khi bắt buộc. Vì thế nên khi mới nghĩ tới luận cá nhân, chúng ta nghĩ đó là thứ j đó mình bị bắt buộc phải làm, một yêu cầu nếu muốn trúng tuyển Đại học. Sau đó chúng ta tưởng tượng mình có thể làm gì để thoả mãn những kì vọng đó để trúng tuyển. Nó trở thành một thử thách để vượt qua, và chúng ta nghĩ cách vượt qua là cố gắng cho các trường Đại học thứ gì đó chúng ta nghĩ là họ muốn. 

Vấn đề duy nhất là các em không chắc chắn được là các trường muốn gì. Thêm nữa, tất cả mọi người có vẻ như đều có những ý kiến – thường là trái chiều – về việc Đại học muốn gì. Những thứ này khiến học sinh cảm thấy hoang mang. 

Tôi sẽ không nói cho các em biết họ thật sự muốn gì, vì đơn giản là không có câu trả lời cho chuyện đó. Thay vào đó, tôi sẽ gợi ý một cách tư duy tốt hơn, để đặt em làm trung tâm của phương trình này. 

NGHĨ NGƯỢC LẠI 

Hãy cùng làm một bài tập nhỏ. Các em cân nhắc xem cán bộ tuyển sinh lấy được những thông tin gì – và các loại thông tin thế nào – từ hồ sơ ứng tuyển của mình:

Học bạ của các em cho biết sức học qua thời gian;

Điểm SAT/ACT cho họ một đánh giá về các em so với chuẩn chung của học sinh toàn cầu; 

Thư giới thiệu thể hiện tính cách, tri thức, và những đóng góp cho cộng đồng qua cái nhìn của một người lớn; 

Danh sách hoạt động cho họ thấy tính kỉ luật, gắn kết qua thời gian và độ đa dạng của những thứ các em hứng thú. 

Đại loại là như vậy. Có những lĩnh vực khác mà cán bộ tuyển sinh có thể lấy được thông tin quan trọng về các em, nhưng mục tiêu của tôi là chỉ ra có 2 loại thông tin cơ bản mà họ có: thông tin dạng định lượng và dạng định tính. Nói đơn giản hơn, chúng ta sẽ gọi là thông tin dạng số và thông tin dạng chữ. Hai loại này cùng nhau vẽ nên bức tranh tổng thể rõ ràng em là một người thế nào. Không có thông tin nào quan trọng hơn thông tin kia; chúng phải phối hợp cùng nhau, và các em càng hiểu rõ mình đang cung cấp thông tin loại nào cho các trường, em sẽ càng có thể viết một bài luận và tạo nên bộ hồ sơ ứng tuyển với ý định rõ ràng, và hiệu quả. 

XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH 

Vậy bài luận cá nhân cung cấp loại thông tin gì? 

Để hiểu về tính ứng dụng của bài luận cá nhân, em cần phải sẵn sàng để chuyển đổi sự tập trung vào bên trong bản thân. Ý tôi là các em cần phải xem ý nghĩa của bài luận đó với bản thân mình như thế nào trước. Vì các em sẽ tự viết bài luận này – các em sẽ phải dành thời gian và sức lực để viết văn và sau đó gửi tác phẩm cho một người xa lạ – tốt hơn là nên làm theo cách có ý nghĩa với các em. Với nhiều học sinh, cách tiếp cận này dễ hiểu, nhưng khó để chấp nhận vì về cơ bản nó không hướng đến kết quả. Câu hỏi quan trọng nhất không phải là “liệu bài luận này có giúp tôi được nhận không?” nữa, mà thành “tôi có thể chia sẻ điều gì thật sự có ý nghĩa và đáng giá?” 

Đây là lúc hao tâm tổn ý nhất: tìm ra điều gì thật sự có ý nghĩa với các em. Gợi ý: đây không phải một chủ đề. Nó là những gì mà chủ đề đại diện, hoặc cách mà chủ đề tác động đến em và làm em phải tư duy khác đi. Tôi nhắc lại: Mục đích của bài luận cá nhân không phải là chủ đề. Mà là cách bản thân em liên hệ với chủ đề như thế nào. 

Tin tốt là, khi các em viết về điều thật sự có ý nghĩa với bản thân – và viết một cách hiệu quả – em có cơ hội tốt hơn để cung cấp cho cán bộ tuyển sinh thông tin định tính hữu ích mà họ không tìm được ở đâu khác. 

Điều này giúp phát triển một bộ hồ sơ cạnh tranh và toàn diện. Từ góc nhìn này, mục tiêu không phải là viết về một chủ đề độc đáo; mục tiêu là viết điều gì đó có ý nghĩa, đáng giá, và quan trọng với bản thân em, mà em có thể chia sẻ với người khác. 

Kết hợp với một vài kĩ thuật viết chúng tôi đã thảo luận ở phần 1, cách tiếp cận này sẽ giúp em chuẩn bị viết một bài luận xuất sắc, phản ánh được tính cá nhân và bổ sung thêm ngữ cảnh quan trọng cho bộ hồ sơ. 

Vậy, hãy nghĩ ngược lại. Em muốn cán bộ tuyển sinh có trải nghiệm như thế nào khi đọc bài luận của em? Thông tin nào em tin là quan trọng khi họ xem xét điểm số và học lực? Một khi em đã xác định được mục đích, hãy bắt đầu từ đó. Chủ đề bài luận đơn giản chỉ là một công cụ để thể hiện mục đích; một khi vế sau đã rõ ràng, vế trước cũng sẽ lộ diện thôi.

Nếu các em thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé! Và đừng quên tìm đọc Phần 1 của bài viết tại đây.

Để được nhận nhiều lời khuyên hơn về viết luận, sửa luận, hoặc phát triển nội dung, hãy cho chúng tôi biết nhé! 

Thông tin liên hệ: [email protected]

Hotline: 098 788 1080

Call Spark Prep