Mùa ứng tuyển đã gần kết thúc, và các em sẽ sớm đưa ra quyết định mình sẽ theo học ở đâu mùa thu tới. Kết thúc mùa ứng tuyển cũng có nghĩa phần lớn các em có thể thở phào xả hơi, nhưng vẫn có những em phải chịu sự chua xót của việc bị từ chối. Tác hại của những áp lực các em phải chịu trong suốt thời gian chuẩn bị hồ sơ cần phải được nhìn nhận và đánh giá đúng đắn.
Những ý chính
-Học sinh trải qua căng thẳng, lo âu, trầm cảm, và thậm chí cảm giác mất mát trong quá trình chuẩn bị hồ sơ Đại học Mỹ.
-Phụ huynh đóng vai trò tối quan trọng trong việc giúp các em không bi kịch hoá khi bị các trường từ chối.
-Giữ cái nhìn đúng đắn và nhận ra còn rất nhiều cơ hội có thể giúp các em hồi phục tâm lý sau khi bị các Đại học yêu thích nhất từ chối.
Khoảng thời gian đợi chờ các trường trả kết quả làm cả phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng. Nếu được nhận, là niềm vui hân hoan vô cùng. Nhưng nếu bị từ chối, đặc biệt từ các trường mà các em mơ ước, sẽ rất đau khổ. Trải nghiệm này thật sự có thể khiến cho sức khoẻ tinh thần của các thiếu niên ảnh hưởng nặng nề.
“Tôi biết sự thất vọng của việc không được nhận vào những trường ưu tiên hàng đầu của học sinh tạo nên thương tổn lớn cho tinh thần của các em. Rất nhiều em đã nỗ lực học tập, dành thời gian không thể đong đếm cho các hoạt động ngoại khoá, và tốn nhiều chi phí cho việc luyện thi. Nhận ra tất cả những gì mình làm vẫn là không đủ có thể làm các em thấy trầm cảm,” cô Jana Strickland – một người mẹ và cũng là giáo viên tại nhà cho biết. Cô đã từng trải quá trình ứng tuyển với con trai mình và hiểu những cung bậc cảm xúc trải nghiệm này mang lại.
Các em phải cạnh tranh khốc liệt để dành được những suất ít ỏi vào các trường. Vì vậy, việc chuẩn bị hồ sơ vô cùng áp lực và tác động nặng nề đến sức khoẻ tinh thần. Tuy nhiên, điều quan trọng các phụ huynh và các em nên ghi nhớ là cái nhìn đúng đắn, linh hoạt, và tuyệt đối không so sánh bản thân với người khác. Đây là những cách giúp các gia đình vượt qua trải nghiệm này dễ dàng hơn.
VỀ QUÁ TRÌNH ỨNG TUYỂN
Các trường Đại học Mỹ thông thường có tỉ lệ chấp nhận từ 5% đến 80% trên tổng số ứng viên. Những trường càng cạnh tranh thì nhận càng ít học sinh, làm gia tăng áp lực của các em.
“Trường con trai tôi muốn vào nhất có hơn 46,000 thí sinh nộp đơn, và tỉ lệ trúng tuyển chỉ là 26%. Những trường còn lại trong danh sách ứng tuyển của con tôi còn có tỉ lệ nhận thấp hơn.”, cô Strickland chia sẻ. “Việc chờ đợi kết quả cực kì căng thẳng.”
Cuối cùng, con trai của cô Strickland cũng được nhận vào trường em mong muốn nhất, tuy nhiên đó không phải trải nghiệm chung của tất cả mọi người. Rất khó cho các em khi phải nhìn bạn mình đi học ở những trường các em không được nhận. Những sự từ chối đó có thể tác động tiêu cực đến sự tự tin của các em, vì các em nghĩ rằng mình có thiếu sót gì đó.
“Trong quá trình này, phụ huynh và học sinh cần nhớ rằng có rất nhiều yếu tố tác động đến việc tuyển sinh. Nếu bạn em được nhận mà em thì không, hoàn toàn không có nghĩa là em thua kém bạn.” – Tiến sĩ Mary Alvord, tác giả cuốn sách “Vượt Qua Suy Nghĩ Tiêu Cực cho Tuổi Mới Lớn” nhấn mạnh.
Điểm SAT hay ACT hoàn hảo, khả năng học tập vượt trội, hay nhiều thành tích hoạt động khủng không phải tất cả những gì Đại học tìm kiếm. Việc không thể hiểu được tại sao một học sinh lại trúng tuyển hay trượt có thể tạo nên nhiều bức bối. Tuy nhiên nếu nhận ra rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được hoàn toàn quá trình này, và chuẩn bị tinh thần cho những thăng trầm không tránh khỏi, có thể làm quá trình này suôn sẻ hơn.
TÁC ĐỘNG TỚI TÂM LÝ VÀ LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA
Trầm cảm, căng thẳng, và lo âu là vài cảm xúc các em trải qua khi chuẩn bị hồ sơ. Đây là một quá trình phức tạp chứa nhiều hy vọng và ước mơ, nhưng cũng cực kì căng thẳng và nhiều bài học phũ phàng về cuộc đời. Bị trường Đại học yêu thích từ chối là một trải nghiệm khó khăn,
“Các em có thể cảm thấy rất buồn, hay thất vọng vì điểm số không tốt như các em đã kì vọng”, tiến sĩ Alvord cho biết. “Nó cũng gần như cảm giác mất mát, kiểu ‘Tôi không đạt yêu cầu.’ “
Nghiên cứu chỉ ra rất nhiều thiếu niên đã phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý trước khi bắt đầu quá trình chuẩn bị hồ sơ, điều có thể làm việc bị từ chối khó khăn với các em hơn. Hơn 30% các em độ tuổi từ 13 tới 18 có vấn đề về lo âu. Khoảng 13% các em độ tuổi 12 tới 17 vật lộn với trầm cảm. Áp lực từ việc phải có điểm cao, thi thố, viết luận, và tham gia hoạt động để chuẩn bị hồ sơ cũng gia tăng sự căng thẳng các em cảm thấy.
Trong những lúc như vậy, sự hỗ trợ từ phụ huynh tạo nên sự khác biệt lớn lao.
“Tôi nghĩ phụ huynh nên ghi nhận những cảm xúc của con mình và không làm các em căng thẳng hơn. Hiểu rằng việc bị từ chối là rất khó khăn, nhưng cũng những trường rất tốt khác,” tiến sĩ Alvord cho biết. Một điều quan trọng nữa là đảm bảo các em có kì vọng thực tế khi chọn trường. “Không ai muốn các em phải cảm thấy như mình thất bại và bi kịch hoá khi bị từ chối”, cô nói thêm.
Chuyên gia cho biết các em không nên nghĩ rằng bị từ chối tức là bản thân mình có vấn đề. Một trong những cách để giải toả áp lực khi chờ đợi kết quả hay khi nhận được kết quả không mong muốn là tập trung vào những lựa chọn Đại học khác của các em, nói chuyện với chuyên gia trị liệu tâm lý, hoặc làm những hoạt động khiến các em vui vẻ.
“Một việc gia đình tôi làm trong khi chờ đợi là thêm vào những hoạt động để các con mong chờ, chứ không chỉ chăm chăm nghĩ tới việc nhận kết quả. Có thể là một chuyến picnic cuối tuần, chơi bowling, xem phim, hay đọc sách”, cô Strickland cho biết.
Cuối cùng, việc có cái nhìn đúng đắn là quan trọng nhất. Dù có được nhận vào trường các em mong mỏi nhất hay không, giữ thái độ lạc quan về tương lai và những lựa chọn khác sẽ tạo nên khác biệt lớn.
“Việc đầu tiên là hãy có cái nhìn khách quan. Không có trường Đại học nào hoàn hảo cả.”, cô Strickland kết luận.
ĐIỀU NÀY CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI EM
Việc bị từ chối rất khó khăn, và gây nhiều tổn thương. Sau nhiều năm cố gắng học hành, làm hoạt động, ôn thi, rất dễ hiểu là các em sẽ thấy buồn và nản chí khi không được nhận vào trường yêu thích.
Hãy giúp các con tập trung vào những lựa chọn các con đã có, và nhận ra mình còn tương lai sáng lạn phía trước. Cho các con những góc nhìn mới mẻ và sự cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi để giữ tâm lý vững vàng trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ.
Tác giả: Lakeshi Fleming, xác minh bởi: Karen Cilli
Link bài viết gốc tại đây.