
Có hai kiểu học chuyển tiếp: có kế hoạch và không định trước.
Giả dụ em được nhận vào một trường Đại học và ban đầu em nghĩ. “Tuyệt! Đây đúng là ngôi trường dành cho mình!” Rồi một năm qua đi và em nhận ra đây hoàn toàn không phải chỗ phù hợp và em muốn làm hồ sơ chuyển tiếp qua trường khác. Chuyện quá bình thường. (Thật ra, ⅓ số học sinh của các trường Đại học sẽ chuyển trường trong suốt quá trình học). Tôi gọi đó là kiểu chuyển trường không định trước.
Bên cạnh đó, có lẽ khi học trung học em đã quyết định tiết kiệm chi phí Đại học và học thêm chứng chỉ bằng cách học Đại học cộng đồng, với mục tiêu cuối cùng là học Đại học hệ 4 năm. Tôi gọi đó là kiểu chuyển tiếp có kế hoạch.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cho cả 2 kiểu, bao gồm:
- Học sinh phải làm gì nếu muốn chuyển tiếp?
- “Articulation Agreement” (tạm dịch: Thoả thuận chuyển trường) là gì và tại sao nó quan trọng?
- Tại sao học sinh nên chọn ngành học trước?
- Khi nào học sinh có thể học bán thời gian và khi nào học toàn thời gian?
- Khi nào học sinh nên nộp hồ sơ?
MƯỜI MỘT ĐIỀU LUẬT CỦA VIỆC HỌC CHUYỂN TIẾP
Những “Điều Luật của Việc Học Chuyển Tiếp” này được lấy cảm hứng từ bài thuyết trình của Dan Nannini (Santa Monica College), Sunday Salter (LA Pierce College), và Deborah Wong (UCLA). Những tips dưới đây (hay là “điều luật”) áp dụng cho cả học sinh đã có kế hoạch chuyển tiếp và các em không có kế hoạch trước.
1. TÌM HIỂU NHỮNG YÊU CẦU CỦA BỘ HỒ SƠ VÀ TUÂN THEO TUYỆT ĐỐI
Làm thế nào để biết chúng là gì? Google tên trường + “transfer admission requirements” (tạm dịch: yêu cầu của bộ hồ sơ chuyển tiếp). Một số hướng dẫn:
- Tìm hiểu xem có “articulation agreement” (tạm dịch: thoả thuận chuyển trường) giữa trường em đang học và trường em muốn chuyển tiếp không.
Vậy “articulation agreement” là gì và tại sao nó quan trọng?
Thoả thuận này về cơ bản là vạch ra những khoá học cụ thể nào mà một Đại học sẽ chấp thuận từ một cơ sở giáo dục khác. Nói cách khác:
Khoá học X ở một trường = Khoá học Y ở trường khác
Những khoá học nằm ở một trong ba phân loại: yêu cầu của ngành học, yêu cầu chung, và yêu cầu tự chọn. Và thật ra, còn một loại nữa: những khoá học không thể chuyển tiếp.
Ghi chú: Đây là những khoá học mà em không thể được tính vào yêu cầu khi tốt nghiệp tại trường mà em muốn chuyển tiếp.
Một số trường đã có thông tin chi tiết về khoá học nào sẽ được tính ở trường của họ. Thoả thuận này có ích ở chỗ nó sẽ giúp học sinh biết được một cách dễ dàng tín chỉ nào mình đã học sẽ được tính.
- Liên lạc với cán bộ phụ trách chuyển tiếp ở trường em đang muốn chuyển nếu họ có giới hạn về tín chỉ chuyển tiếp. Hỏi luôn nếu có những giới hạn khác không – ví dụ, một số trường, không muốn nhận học sinh cho một số ngành cụ thể. Một số trường thì nhận học sinh mùa thu nhưng không nhận kì mùa xuân. Một số câu hỏi nên hỏi: “Trường có đang nhận học sinh không? Ngành em muốn học có nhận học sinh không? Có yêu cầu gì cụ thể khi nộp hồ sơ cho ngành em muốn học tại trường không?” Điều quan trọng là liên lạc với cả cán bộ phụ trách học sinh chuyển tiếp ở trường em đang học và trường em muốn chuyển tới. Hỏi những câu càng cụ thể càng tốt và nhớ ghi lại câu trả lời.
- Một số Đại học có tài liệu online gồm toàn bộ những khoá học trường cung cấp tín chỉ. (Học sinh có thể tìm dễ dàng với Google hoặc gọi cán bộ chuyển tiếp.) Nhớ giữ lại thông tin những khoá học Đại học em đã học; một số trường có thể yêu cầu học sinh nộp danh sách đó.
2. CHỌN VÀ CHUẨN BỊ CHO NGÀNH HỌC ĐÃ CHỌN.
Học sinh có phải chọn ngành học không? Tuỳ từng trường. Những đại học tư thục có thể sẽ cho em trì hoãn quyết định này, trong khi đó những trường UC, nơi nhận khoảng 17-18 nghìn học sinh chuyển tiếp mỗi năm, lại yêu cầu có ngành học. Tóm lại, phải tìm hiểu quy định của từng trường em muốn chuyển tiếp.
Điều này cũng phụ thuộc vào liệu ngành học hay trường Đại học quan trọng với em hơn. Giả dụ em muốn học về điện ảnh và chỉ muốn chuyển tới những trường nổi tiếng nhất về làm phim. Nếu em thật sự muốn học ở trường hơn là muốn nghiên cứu về điện ảnh, có lẽ em sẽ dễ được nhận hơn nếu ứng tuyển dưới một ngành khác. (Em vẫn có thể gặp các sinh viên học về phim tại trường và trao đổi với các bạn!) Nếu, bên cạnh đó, em chỉ muốn chuyển tiếp vì ngành làm phim của trường và nếu không được nhận thì thà ở gần nhà còn hơn, thì ứng tuyển đi! Và dành thời gian chăm chút cẩn thận cho những tài liệu phụ trợ cho bộ hồ sơ; những thứ đó rất quan trọng!
“Điều thứ nhất, không chọn ngành học ngay có thể sẽ tốn nhiều tiền về sau,” Dan Nannini lưu ý, ông là cán bộ về chuyển tiếp tại Santa Monica College trong vòng 17 năm qua. “Nếu học sinh đã tiêu 70K đô la tại một năm học ở một Đại học tư thục, thì tốt hơn là em đó nên chọn các lớp thiên về chuyên ngành nào đó để có thể tốt nghiệp sau 4 năm. Như vậy gia đình học sinh sẽ không phải trả tiền cho 5 hay 6 năm Đại học.
Hoàn thành các môn của chuyên ngành nhất định cũng có thể khiến em là một ứng viên hấp dẫn hơn. Và càng sớm càng tốt! Một học sinh hoàn thành các tín chỉ càng sớm – ví dụ, trong mùa thu – sẽ được đánh giá cao hơn một học sinh vẫn còn tín chỉ để học nốt vào mùa xuân.”
3. GIỮ ĐIỂM TRUNG BÌNH (GPA) CAO.
Em phải giữ điểm trung bình thật tốt dù chỉ đang nhen nhúm ý định chuyển trường. Không thể bỏ qua bước này.
4. LƯU Ý CÁC ĐIỂM THI CHUẨN HOÁ
Lưu ý rằng nếu em tốt nghiệp trung học chưa lâu, điểm thi chuẩn hoá vẫn sẽ được tính trong bộ hồ sơ. Nếu chuyển tiếp sau khi học hết năm đầu thì có thể sẽ không cần lắm.
5. THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG
Cho các trường thấy em sẽ đóng góp thế nào vào đời sống tại nhà trường là yếu tố quan trọng của bộ hồ sơ. Cách tốt nhất để chứng tỏ? Tham gia các hoạt động, đóng góp ngay bây giờ, ngay tại nơi em đang theo học – tận dụng các tài nguyên và cơ hội. (Đây cũng có thể là nguồn nội dung cho bài luận của các em.)
6. TƯƠNG TÁC VỚI CÁC GIÁO VIÊN VÀ XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TỐT VỚI HỌ
Tại sao? Thứ nhất, điều này chắc chắn có lợi cho việc học tập của các em. Thực tế hơn, em có thể sẽ cần các thầy cô viết cho thư giới thiệu (tuỳ vào yêu cầu của trường chuyển tiếp).
7. TẬN DỤNG MÙA HÈ LÀM NHỮNG ĐIỀU CÓ Ý NGHĨA VỚI EM
Dù em đi làm thêm, làm từ thiện, hay tự làm những dự án của riêng mình, các trường muốn thấy cách em tương tác với thế giới.
8. NẾU ĐƯỢC, HÃY GHÉ THĂM TRƯỜNG ĐỊNH CHUYỂN TIẾP
Nếu đây là việc chuyển tiếp được định sẵn, đảm bảo rằng đây là nơi em muốn sống trong vài năm tới. Nếu việc chuyển tiếp là không định trước, cũng cần đảm bảo em không lặp lại sai lầm.
9. KIỂM TRA ĐI KIỂM TRA LẠI CÁC YÊU CẦU CỦA TRƯỜNG CHUYỂN TIẾP
Mỗi trường cho những yêu cầu khác nhau, nên hãy đảm bảo là em kiểm tra kĩ các yêu cầu này. Chúng tôi biết rằng ý này trùng với ý 1. Vì quá quan trọng nên chúng tôi nhắc lại 1 lần nữa.
10. NỘP HỒ SƠ CHO NHIỀU TRƯỜNG
Trong bài viết về việc xây dựng danh sách trường ứng tuyển, chúng tôi đã nhắc đến việc phân loại các trường “trường với”, “trường an toàn”, “trường phù hợp” – có lẽ là 2 hoặc 3 trường cho mỗi loại. Với việc nộp hồ sơ chuyển tiếp cũng vậy.
Lời khuyên từ chuyên gia: Tìm hiểu xem mỗi năm các trường nhận bao nhiêu học sinh chuyển tiếp. Ví dụ, Stanford mỗi năm nhận ít hơn 100 sinh viên chuyển tiếp, nhưng UCLA nhận hơn 3,000 sinh viên.
11. VIẾT MỘT BÀI LUẬN THẬT ĐỈNH
Để được hướng dẫn một cách chi tiết cách viết bài luận chuyển tiếp thật đỉnh, hãy chờ đón bài blog tiếp theo của chúng tôi nhé!
Nguồn: Theo The College Essay Guy.
Liên lạc với chúng tôi để được tư vấn về việc chuẩn bị hồ sơ chuyển tiếp!
Hà Nội: 098 788 1080
TPHCM: 0916 829 368