Chính sách xét tuyển điểm SAT, ACT của rất nhiều trường Đại học đã thay đổi. Hãy đọc xem điều này có ý nghĩa thế nào với ứng viên nhé:
Thi SAT hay ACT thường làm học sinh rất căng thẳng, vì hầu hết các em phải dành nhiều tuần hoặc nhiều tháng ôn thi để đạt điểm cao. Tuy nhiên, nhiều trường đang chuyển dần sự chú ý từ điểm bài thi chuẩn hoá sang các khía cạnh khác của hồ sơ, ví dụ như điểm trung bình hoặc các bài luận.
Khoảng 1,750 trường Đại học hệ 4 năm đã thông báo kế hoạch để trở thành trường Đại học không xét điểm chuẩn hoá (test-blind), hoặc xét một cách chọn lọc (test-optional) vào mùa thu 2023, theo số liệu của National Center for Fair and Open Testing. Xu hướng này không phải mới xuất hiện, nhưng đã được đẩy nhanh nhờ dịch COVID-19, khi mà nhiều học sinh không thể đi thi được.
Các trường Đại học cũng đã nhận ra có “mối liên hệ giữa thu nhập gia đình và điểm thi”, theo Dana Rolander, một nhà hoạch định giáo dục và người sáng lập của Ohio-based Midwest College Consulting.
“Những học sinh có ít điều kiện kinh tế thường không có khả năng được ôn thi chuẩn hoá nhiều, nên điểm thi chuẩn hoá không được coi như một chỉ số công bằng khi xét cho học sinh từ mọi thành phần xã hội”, bà nói thêm.
Cho học sinh chọn nộp điểm hoặc Hoàn toàn không xét điểm SAT/ACT
Chính sách cho học sinh lựa chọn nộp điểm thi – áp dụng tại các trường như Appalachian State University tại North Carolina, Cornell University ở New York, Princeton University ở New Jersy and University of Chicago tại Illinois – tức là cho phép học sinh ứng tuyển tự quyết định xem có nên nộp điểm SAT/ACT không.
“Chính sách này chắc chắn rất có lợi cho những học sinh không giỏi trong việc đi thi”, Anna Ivey, người sáng lập Ivey Consulting, một công ty hỗ trợ hồ sơ Đại học và Cao học. “Chúng ta đều biết một ai đó học rất giỏi, rất có năng khiếu, nhưng lại không giỏi trong việc đi thi”, Anna cho biết. “Đó là một hiện tượng rất thật và phổ biến. Các em hiện đã có thể lựa chọn có cho điểm SAT/ACT vào hồ sơ và coi đó là một phần của bản thân mình hay không, và đó là điều tốt.”
Kém phổ biến hơn là chính sách hoàn toàn bỏ qua điểm thi chuẩn hoá, được áp dụng tại các trường University of California, Loyola University New Orleans ở Louisiana, và Worcester Polytechnic Institute ở Massachusetts. Những chính sách này có nghĩa là kể cả khi học sinh nộp kèm điểm SAT hay ACT, trường sẽ không xét những điểm này trong quá trình xét tuyển.
Những chính sách này cũng có điểm hạn chế. Ví dụ, một trường thông báo rằng mình cho học sinh lựa chọn có nộp điểm hay không, nhưng vẫn yêu cầu điểm cho một vài ngành cụ thể hoặc những ứng viên không sống ở Mỹ. Một số trường tự cho là không bắt buộc điểm chuẩn hoá vẫn xét điểm khi cân nhắc cho học bổng cho các ứng viên.
“Học sinh phải tìm hiểu khá kĩ trước khi quyết định nộp điểm hay không, đọc kĩ các dòng chữ in nghiêng vì mỗi trường lại có một quy định”, Ivey cho biết.
Đại học xét hồ sơ như thế nào
“Điểm thi chuẩn hoá thường cũng làm cho hồ sơ đáng tin cậy hơn,” Rolander nói. “Nhưng điểm học bạ cao sẽ luôn quan trọng hơn điểm thi chuẩn hoá.”
Học bạ được đánh giá theo từng trường học, vì các trường phổ thông có chương trình học và mức độ giáo án khác nhau. Điều này có nghĩa nếu trường em học không có các lớp AP hay IB, hồ sơ của em cũng sẽ không bị thiệt thòi vì điều đó. Các trường – đặc biệt là những trường xét ứng viên một cách toàn diện – cũng chú ý đến nhiều khía cạnh khác của hồ sơ – như hoạt động ngoại khoá, sự kiên trì, chăm chỉ trong học tập, thư giới thiệu và các bài luận.
“Không bao giờ có chuyện điểm SAT có thể quyết định tất cả.”, Rolander nói.
Dan Kwon, phó chủ tịch bộ phận cố vấn hồ sơ tại FLEX College Prep, nhấn mạnh rằng các bài luận càng ngày càng trở nên quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển.
Bài luận giúp cung cấp “thông tin chiều sâu về việc học sinh là ai, em coi trọng những giá trị gì, và em có phù hợp với trường không”, ông nói. “Bài luận làm sáng tỏ sự trưởng thành của em, em chiêm nghiệm bản thân thế nào, và quan trọng nhất, là nguồn cảm hứng và mục tiêu. Cán bộ tuyển sinh thật ra chỉ tìm kiếm những ứng viên thể hiện được sự khát khao đạt mục tiêu và phù hợp với trường. Họ không thể nhận tất cả ứng viên được.”
Tôi có nên nộp điểm SAT/ACT không?
Những chuyên gia về tuyển sinh Đại học khuyến khích học sinh nên thi thử SAT/ACT ít nhất 1 lần, trừ phi không thể thi được. Có chính sách miễn lệ phí thi nếu học sinh đủ điều kiện, và thậm chí các em có thể được miễn lệ phí nộp đơn tại một số Đại học.
Dựa vào kết quả thi, em có thể quyết định xem nên nộp điểm hay không. Cả SAT và ACT đều cho ứng viên lựa chọn loại bỏ điểm nếu em thi không tốt, ví dụ như nếu thí sinh điền tờ kết quả sai cách hoặc không làm hết bài.
Nếu một học sinh thi SAT hay ACT nhiều hơn 1 lần, một số Đại học yêu cầu xem tất cả các kết quả khi nộp điểm. Một số khác lại tính “superscore”, tức là điểm thành phần cao nhất ở mỗi bài thi được tách ra và cộng lại để tạo thành điểm cuối cùng.
Các chuyên gia khuyên học sinh tìm ra “điểm bách phân vị 50” – khoảng điểm giữa bách phân vị 25 và 75 của khoá ứng tuyển năm trước – ở website các trường ĐẠi học để xem điểm của mình có nằm trong khoảng đó không.
“Nếu điểm của em nằm ở khoảng điểm trên, thì điểm đó có thể là lợi thế”, Ivey nói. “Nhưng nếu em ở khoảng trung bình dưới hoặc thấp hơn, điểm của em lại thành bất lợi. VÌ vậy trừ khi có lí do gì đặc biệt để em nộp điểm, tôi sẽ khuyên em bỏ qua. Quy tắc chung tôi dặn học sinh là chỉ nộp điểm khi điểm có thể giúp ích cho em, hoặc khi trường yêu cầu bắt buộc.”
Trong kì ứng tuyển mùa thu 2021, khoảng 20% ứng viên không có điểm SAT hay ACT, dựa theo số liệu của Admissions Research Consortium of the College Board. Một nửa nộp điểm SAT hoặc ACT, và 30% có điểm nhưng lựa chọn không nộp.
“Hãy nhớ rằng chính sách cho lựa chọn nộp điểm, theo tôi, góp phần vào việc tăng đột biến số lượng ứng viên ứng tuyển, đặc biệt tại các trường cạnh tranh cao,” Rolander nói. “Những học sinh có lẽ sẽ không ứng tuyển vì điểm thấp nhưng nay lại thấy mình có khả năng trúng tuyên, đặc biệt nếu điểm trên lớp và phần còn lại của hồ sơ của các em rất tốt.”
Nguồn: https://www.usnews.com/education/articles/how-important-are-sat-act-scores-in-college-admissions