University of California (UC) được thành lập vào năm 1869 chỉ với 10 giảng viên và 40 sinh viên. Ngày nay, hệ thống UC đang là ngôi trường của 280.000 sinh viên cùng 227.000 giảng viên và nhân viên, với hơn 2 triệu cựu sinh viên đang sống và làm việc trên khắp thế giới.
Từ STEM đến nhân văn, nghiên cứu đến nghệ thuật sáng tạo, từ sinh viên đã hiểu rõ con đường mình muốn theo đuổi cho tới những sinh viên vẫn đang tìm hiểu những gì phù hợp nhất với mình, UC đều có thể đáp ứng mọi nhu cầu học tập và khám phá bản thân, với đa dạng các trường và ngành học, những lợi thế lớn trong nghiên cứu phát triển và mang tới một cộng đồng đa dạng, gắn bó – nơi bất kỳ cá nhân nào cũng có thể tỏa sáng.
Trên hết, cộng đồng đa dạng khuyến khích sinh viên bước ra khỏi vùng an toàn của mình, học tập cùng các bạn với nhiều hoàn cảnh khác nhau và cùng xây dựng một điều gì đó lớn lao hơn. Cơ hội học tập tại UC là dành cho tất cả các em, vì vậy hãy tìm hiểu thật kỹ cách xây dựng một bộ hồ sơ ấn tượng vào các trường UC. Có một số khía cạnh các em có thể tập trung hơn để tối ưu kết quả của mình trong quá trình đăng ký đại học, cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần bài viết dưới đây nhé.
Các trường UC có những yếu tố khác biệt để trở nên cạnh tranh hơn so với những trường khác trong cộng đồng của mình. Một số chuyên ngành phổ biến tại các trường là ngành phim tại UCLA, khoa học động vật tại UCD, quan hệ quốc tế tại UCSD hoặc khoa học máy tính tại UCB… Bên cạnh đó, những học sinh sinh sống tại California đáp ứng đủ điều kiện về yêu cầu đầu vào tại UC (nằm trong top 9% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của California) sẽ được đảm bảo một suất tuyển sinh trong hệ thống UC. Số lượng sinh viên địa phương đăng ký, điều kiện học tập tại một số cơ sở và chính sách hỗ trợ tài chính khác nhau cũng sẽ làm tăng tính chọn lọc của một số trường UC nhất định.
Để tăng sức cạnh tranh cho hồ sơ ứng tuyển của bản thân, các em cần hiểu rõ về các yếu tố này và biết được điều gì hệ thống UC đang tìm kiếm ở người nộp đơn.
Cho dù là học sinh bản địa hay không, các em cũng cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoàn thành các môn học ở bậc THPT khi ứng tuyển đại học tại trường
Lịch sử: 2 năm
Tiếng Anh: 4 năm
Toán học: 3 năm
Khoa học thí nghiệm: 2 năm
Ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh: 2 năm
Nghệ thuật thị giác và biểu diễn: 1 năm
Dự bị đại học tự chọn: 1 năm
Mặc dù hầu hết sinh viên sẽ đặt mục tiêu vượt quá yêu cầu tối thiểu, nhưng với một số chuyên ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM, sẽ yêu cầu cả các môn học bổ sung. Vì vậy, hãy đảm bảo nghiên cứu (các) chuyên ngành mà các em quan tâm để có một kế hoạch hợp lý và tối ưu.
Các em cũng hãy chú trọng tới các khóa học phù hợp với chuyên ngành. Luôn tìm hiểu các khóa học đang có ở trường và nếu nỗ lực hơn nữa, các em còn có thể tự học cho các kỳ thi AP trong các lĩnh vực quan tâm nhất.
Kết quả học tập và điểm trung bình của các em được coi là những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xem xét đơn đăng ký của University of California. Đối với tất cả các trường UC, yêu cầu điểm trung bình tối thiểu là 3.0 với các khóa học có thang điểm từ A-G dành cho học sinh cư trú tại California và tối thiểu 3.4 đối với những học sinh khác.
UC không chấp nhận điểm dưới “C” trong bất kỳ khóa học có thang điểm A-G nào. Ngoài các khóa học này, các em không bắt buộc phải hoàn thành các khóa học hoặc yêu cầu khác, nhưng hoàn toàn có thể cố gắng đảm bảo có được bảng điểm tốt nhất có thể bằng việc tham gia thêm các khóa học tự chọn – chỉ cần lưu ý cân bằng giữa điểm trung bình học tập tốt trên lớp với khối lượng các khóa học bổ sung.
Các em cũng có thể xem xét mức điểm trung bình chung của các ứng viên nộp hồ sơ vào mỗi trường UC để đánh giá cơ hội trúng tuyển của mình bằng cách kiểm tra dữ liệu nhập học của UC.
Hệ thống University of California hiện đang sử dụng chính sách không yêu cầu kết quả kiểm tra chuẩn hóa, bởi vậy kết quả SAT hoặc ACT sẽ không được xem xét trong đơn đăng ký của các em. UC không đánh giá khả năng học sinh qua điểm SAT hay ACT, thậm chí cũng không xem xét thư giới thiệu, bởi vậy các ứng viên UC được kỳ vọng sẽ thể hiện khả năng học tập và phát triển bản thân tốt ở cả môi trường trên lớp và ngoài lớp học.
Hơn bao giờ hết, các hạng mục khác như kinh nghiệm nghiên cứu, tham gia các chương trình sinh hoạt hè, khóa học tiền đại học, đi thực tập hay bắt đầu thực hiện những sáng kiến và kế hoạch riêng của các em đều có thể giúp thể hiện sự hiểu biết và quan tâm của các em tới lĩnh vực đang theo đuổi. Điều này sẽ có tác động tích cực tới kết quả tuyển sinh của các em.
University of California đánh giá cao những tài năng, thành tích và kinh nghiệm lãnh đạo thể hiện tiềm năng của các em trong việc đóng góp vào những truyền thống phát triển trí tuệ và đóng góp cho cộng đồng của trường. Vì vậy, hãy đảm bảo làm nổi bật những khả năng riêng biệt, niềm đam mê đối với một lĩnh vực hoặc cách mà các em đã làm cho cộng đồng của mình trở nên tốt đẹp hơn trong hồ sơ ứng tuyển.
Ví dụ: nếu các em quan tâm đến fintech, hãy cân nhắc xây dựng một ứng dụng hoặc thành lập một công ty giảng dạy các nguyên tắc kinh doanh và công nghệ cho trẻ em. Có thể tiến thêm một bước là hợp tác với các nhóm phi lợi nhuận để nhận được sự hỗ trợ cho mục đích kinh doanh có ý nghĩa của các em. Hãy cố gắng cho thấy niềm đam mê của các em có thể tạo ra những lợi ích lớn và tác động tích cực trong cộng đồng của mình.
Một số lĩnh vực nổi bật của các trường UC là truyền thông, nghệ thuật hoặc thể thao, khám phá sâu về các nền văn hóa, dịch vụ cộng đồng và các tổ chức sinh viên. Mặc dù hồ sơ ứng tuyển UC cho phép các em liệt kê tối đa 20 hoạt động và danh hiệu, điều quan trọng là các em phải nêu bật các hoạt động có liên quan và có thể thể hiện điểm mạnh, sở thích và mục tiêu của các em. Hãy nhớ rằng, chất lượng hơn số lượng!
Khi ứng tuyển các trường University of California, thay vì viết bài luận cá nhân và các bài luận bổ sung, các em sẽ trả lời các Câu hỏi Hiểu biết cá nhân từ UC (UC’s Personal Insight Questions). Thông qua các bài luận từ 250-350 từ này, các em sẽ được đánh giá dựa trên cách các em thể hiện mình là ai, tại sao các em muốn theo học tại một trường UC và điều gì thực sự có ý nghĩa đối với các em.
Điều cần thiết là phải suy nghĩ thật kỹ về các Câu hỏi Hiểu biết Cá nhân. Vì UC không chấp nhận thư giới thiệu nên các bài luận là cách tốt nhất để ứng viên phản ánh và nêu bật hình ảnh con người các em đã trở thành trong hành trình khám phá bản thân, các em coi trọng điều gì, tại sao theo học UC lại phù hợp và vì sao cơ hội học tập tại trường sẽ giúp định hướng cho tương lai của các em.
Hãy tìm hiểu về cộng đồng mà các trường đại học UC nhắm đến để thúc đẩy, cộng đồng đó liên quan như thế nào đến mục tiêu học đại học của các em và các em sẽ có những đóng góp như thế nào. Xem xét sự đổi mới, tính đa dạng và khả năng tiếp cận khi trả lời các câu hỏi để làm nổi bật sự hiểu biết của các em về điều gì làm cho các trường UC trở nên độc đáo và khác biệt. Hãy tỏa sáng với niềm đam mê, trí tuệ, khả năng lãnh đạo và những gì độc đáo trong câu chuyện cá nhân của các em để giúp nhà tuyển sinh hiểu rõ về các em hơn ngoài các hoạt động và thành tích đã được trình bày trong hồ sơ.
Không giống như bài luận Common App nhằm kể câu chuyện cá nhân của các em với quá trình tự suy nghĩ, chiêm nghiệm, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, v.v., bài luận của University of California lại có mục đích đơn giản hơn, thiên về chia sẻ những sự thật với các chi tiết cụ thể, thấu đáo.
UC mang đến cơ hội độc đáo cho sinh viên đại học chuyển tiếp theo nhiều lựa chọn chuyên ngành khác nhau, và ngay cả đối với những sinh viên chưa chắc chắn chuyên ngành của mình sẽ là gì, thông qua Lộ trình Chuyển tiếp UC – UC Transfer Pathway. Chương trình cũng giúp sinh viên trở nên nổi bật và thể hiện một bộ hồ sơ ứng tuyển cạnh tranh hơn.
Sinh viên chuyển tiếp tiềm năng nên tìm hiểu các khóa học nào cần thiết cho chuyên ngành dự định và/hoặc trường đại học UC nào là lựa chọn phù hợp với mình, từ đó có thể bắt đầu kế hoạch chuẩn bị càng sớm càng tốt.
Hệ thống University of California được biết là có một trong những chương trình hỗ trợ tài chính mạnh nhất ở Mỹ, với hơn 2/3 sinh viên đại học nhận được gói hỗ trợ trung bình là 15.000 USD. Phần lớn sinh viên theo học chỉ phải chi trả dưới mức học phí đầy đủ và hơn một nửa số sinh viên UC không cần trả học phí. Vì vậy, tốt nhất các em nên gửi hồ sơ FAFSA hoặc hồ sơ CSS của mình, ngay cả khi cho rằng thu nhập của gia đình mình không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.
Hãy dành cho mình đủ thời gian để hoàn thành đơn đăng ký và bắt đầu đăng ký sớm! Điều quan trọng là các em cần nắm rõ tất cả các yêu cầu của đơn đăng ký và tạo tài khoản University of California của mình trước hạn chót ngày 30 tháng 11 (cổng đăng ký sẽ mở vào ngày 1 tháng 8).
Ngoài đơn đăng ký, kết quả học tập cũng sẽ có những yêu cầu nộp cụ thể với từng trường hoặc chuyên ngành. Một lợi ích to lớn của việc đăng ký vào hệ thống UC là các em có thể đăng ký vào nhiều trường UC bằng cách chỉ gửi một đơn đăng ký duy nhất, tuy nhiên mỗi trường yêu cầu phí đăng ký 80 đô la (dành cho sinh viên quốc tế). Với số lượng đơn đăng ký UC đạt mức cao kỷ lục cho kỳ nhập học mùa thu năm 2022, các em nên xem xét đăng ký vào đồng thời nhiều trường UC để có danh sách trường ứng tuyển chiến lược cân bằng bao gồm một số trường an toàn, vừa tầm và hơi khó cạnh tranh hơn.
Các trường UC luôn có thể cung cấp cho các sinh viên những chương trình và quyền lợi độc đáo, phù hợp với bất kể sở thích và mục tiêu học thuật nào. Tại Spark Prep, chúng tôi giúp học sinh ứng tuyển vào các trường đại học hàng đầu tại Mỹ, bao gồm mọi trường đại học trong hệ thống UC. Nếu các em đang quan tâm tới các trường UC nhưng còn cần thêm hướng dẫn cho các bước chuẩn bị hồ sơ tiếp theo, hãy liên lạc với đội ngũ của chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn 1-1 nhé.
Em nên học tiếp lên cao học sau khi tốt nghiệp hay không? Hay em nên đi làm để tích lũy kinh nghiệm trước rồi mới học Thạc/Tiến sĩ? Để đưa ra được lựa chọn phù hợp, dưới đây là 5 điều em cần cân nhắc.
Đọc tiếpVới tỷ lệ chấp nhận thấp và quy trình ứng tuyển riêng biệt, học sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng yêu cầu hồ sơ từ trường để nâng cao cơ hội được nhận của mình.
Đọc tiếpTừ sở thích tới khả năng làm tốt một điều gì đó, cần rất nhiều sự nỗ lực và kiên trì. Nếu các em đang cần lời khuyên để trở thành ‘chuyên gia' trong lĩnh vực của mình, đừng bỏ qua bài viết này nhé!
Đọc tiếpTrong quá trình lựa chọn ngôi trường đại học Mỹ tương lai, các chuyến tham quan tại trường là cơ hội để học sinh trải nghiệm môi trường thực tế trước khi đưa ra quyết định. Vậy những điều quan trọng mà ứng viên cần biết về những chuyến tham quan này là gì?
Đọc tiếpChỉ còn vài tháng nữa, hạn nộp hồ sơ đăng ký cho mùa tuyển sinh Đại học Mỹ 2024 - 2025 sẽ diễn ra. Đây là một số điều các em cần lưu ý để có thể xây dựng ý tưởng & viết bài luận một cách hiệu quả & thuyết phục.
Đọc tiếpHà Nội: Tầng 4, 102-104 Láng Hạ, phường
Láng Hạ, quận Đống Đa.
TP. HCM: Toong Tân Hưng, F16 Đường Số 10 Khu đô thị Him Lam, phường Tân Hưng, Quận 7